CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐỒNG KHỞI KHỞI  NGHIỆP TỈNH BẾN TRE


Kinh doanh với người giữ rừng

​​

Tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Ngọc Hiện tham gia công tác tại Trung tâm Chuyển giao công nghệ – dịch vụ và phát triển cộng đồng nông – ngư nghiệp Việt Nam (Hội Nghề cá Việt Nam). Đồng thời với công việc này, Ngọc Hiện làm thêm nghề “tay trái” là dịch vụ tư vấn và viết dự án. Thời gian này, Hiện có cơ hội “nhập cuộc” một số dự án của Chính phủ Đan Mạch, tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế… tài trợ tại Bến Tre.

Có gắn bó với rừng, với thiên nhiên xanh và những người giữ rừng ở nơi từng gắn với sự kiện lịch sử đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam – đường Hồ Chí Minh trên biển, cô gái trẻ đã biết trân quý và dặn lòng phải làm điều gì đó để cùng đồng hành, chia sẻ với đất và con người nơi đây. Ý tưởng “kinh doanh với người giữ rừng” nảy sinh từ đó.

Ngọc Hiện kể lại: Cuộc sống của họ đang gặp nhiều khó khăn. Hằng năm, Chính phủ chi trả cho người giữ rừng là 100 ngàn đồng/ha rừng. Khoản hỗ trợ này là quá nhỏ so với nhu cầu cuộc sống. Nguồn thu nhập chính của họ là từ việc khai thác thủy sản tự nhiên dưới tán rừng (hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp, hóa chất trong quá trình sinh trưởng). Trong khi giá của các sản phẩm này còn thấp và bị đánh đồng với các sản phẩm nuôi công nghiệp cùng loại. Người giữ rừng có xu hướng khai thác tận diệt và lén lút chặt phá rừng hoặc bỏ rừng đi kiếm sống tại các thành phố lớn. Hệ lụy là diện tích rừng sẽ bị thu hẹp, nguồn tài nguyên dưới tán rừng bị cạn kiệt. Chính vì thế cần một giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống của họ, khuyến khích người giữ rừng gìn giữ “lá phổi xanh” bằng cách sử dụng các sản phẩm của họ đúng giá.

Vậy là sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên môi trường – Trường Đại học Nông lâm vào năm 2013, Ngọc Hiện chính thức dấn thân khởi sự với dự án “Kinh doanh với người giữ rừng”. Không vội vàng trong bước đầu thử thách chính mình, Ngọc Hiện chấp nhận với mức đầu tư ban đầu khá khiêm tốn là chỉ với dăm ba triệu đồng. Ngọc Hiện kể, đây là số tiền khá lớn mà Hiện đã tiết kiệm được trong thời điểm đó. Số vốn này được Ngọc Hiện dùng để mua một số loại thủy sản đặc trưng của vùng như tôm, cua, cá chẻm, cá đối, cá nâu… Ban đầu, có 2 hộ đồng ý liên kết để bán sản phẩm cho Hiện với mức giá cao hơn bình thường từ 15 – 20%. Đến nay, Ngọc Hiện đã liên kết với 10 hộ để thu mua thường xuyên, cung cấp cho 2 cửa hàng kinh doanh sản phẩm sạch tại TP. Hồ Chí Minh, sản lượng bình quân từ 150 – 200kg/tuần.

Điều Ngọc Hiện còn băn khoăn là sản lượng này mới chỉ phần nào tiêu thụ sản phẩm sạch của 10 hộ dân giữ rừng. Phần nhiều còn lại họ vẫn phải bán cho thương lái bên ngoài với giá thấp và còn nhiều hộ giữ rừng khác nữa… Vấn đề đặt ra của Ngọc Hiện bây giờ – sau hơn 2 năm tập tành khởi sự là vốn để mở rộng quy mô dự án.

Theo dự án, tới đây, Ngọc Hiện sẽ kết nối bao tiêu các sản phẩm thủy sản của khoảng 30 hộ giữ rừng, với diện tích 100ha rừng ngập mặn của huyện Thạnh Phú. Giá thu mua sản phẩm dự kiến tăng từ 20 – 25% so với giá thị trường nhằm giúp họ ổn định cuộc sống và yên tâm gắn bó với rừng. Đồng thời với các hoạt động chính của dự án như thu mua, marketing, bán hàng, xây dựng hồ sơ nhật ký ghi chép, Ngọc Hiện cho biết sẽ đầu tư xây dựng xưởng sơ chế thủy sản đạt chứng nhận an toàn chất lượng.

Có thể thấy, Ngọc Hiện là cô gái trẻ có học vị thạc sĩ đã dám bước ra lĩnh vực ngoài nhà nước để dấn thân, với dự án gắn cùng lợi ích cộng đồng. Tính hiệu quả và khả thi của dự án đã thật sự chinh phục ban giám khảo cuộc thi “Dự án khởi nghiệp lần 2 năm 2016”, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Dự án của Ngọc Hiện bước đầu đã có tín hiệu vui. Ông Trần Anh Thuy – Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bến Tre cho biết sẽ hỗ trợ dự án một tủ đông, đủ để giúp Ngọc Hiện bảo quản các sản phẩm thủy sản sau thu hoạch được tốt hơn.


Hotline: 0123 456 789
may ao thun - may balo gia re - may áo thun đồng phục